Viêm tai giữa ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết

BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ VÀ NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN BIẾT

Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến khả năng nghe – nói, thậm chí là viêm màng não, áp xe não… 

1. Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi do vòi nhĩ chưa phát triển đầy đủ cấu trúc, chức năng và hệ thống miễn dịch ở trẻ còn yếu để chống lại các tác nhân gây bệnh ngoài môi trường nên sẽ dễ mắc viêm tai giữa hơn.

1.1 Phân loại bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa cấp tính mủ: thường gặp ở trẻ em, biểu hiện qua 3 giai đoạn là: viêm tai giữa giai đoạn xung huyết, kế tiếp là giai đoạn ứ mủ (chưa có mủ chảy ra ngoài), khám tai ở giai đoạn này thường thấy màng nhĩ đục, đỏ. Sau đó chuyển thành màu xám, phồng ra ngoài, làm mất mốc giải phẫu bình thường, kế tiếp là viêm tai giữa giai đoạn vỡ mủ (mủ chảy ra ống tai), lúc này các triệu chứng thường giảm đi nhanh chóng khi mủ chảy ra, mủ tai lúc đầu loãng, trong có màu vàng chanh sau đặc dần thành mủ nhầy, khám thấy màng nhĩ dày, ẩm, có lỗ thủng, có mủ chảy ra ngoài lỗ thủng.

Viêm tai giữa mạn tính mủ: có thể gặp ở mọi lứa tuổi, biểu hiện rất nghèo nàn với chảy mủ tai là triệu chứng chính, mủ tai thường xuyên chảy hoặc từng đợt sau mỗi đợt ho, sốt, đau họng. Mủ chảy ra có mùi hôi thối, khắm, mủ đặc, lẫn màu vàng xanh hay nâu, có thể có máu hoặc mảng trắng như bã đậu, óng ánh như váng mỡ. Người bệnh giai đoạn này thường nghe kém, ít thấy đau, có cảm giác nặng tai, nhức đầu, khám tai thấy màng nhĩ thủng đáy, lỗ thủng bẩn, bờ lỗ thủng và đôi khi có polyp bên trong tai.

2. Dấu hiệu giúp bố mẹ nhận biết trẻ bị viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh mà trẻ em rất dễ mắc phải, đặc biệt thường phát sinh vào thời điểm giao mùa cùng với các bệnh về tai mũi họng, biến chứng từ viêm họng, amidan. Biểu hiện là khi bé đang ho, sổ mũi và khi đột nhiên thấy bé sốt, quấy khóc nhiều hoặc kêu đau tai rất có thể bé có biến chứng viêm tai giữa cấp, một số bé nhỏ có thể bú ít hơn, quấy khóc khi tay mẹ tì vào bên tai đau hoặc sờ gãi tai nhiều, nôn, ỉa lỏng … Sốt ít các bé không cảm giác đau nhiều, ít quấy.

Sau đây là 8 dấu hiệu cảnh báo giúp bố mẹ nhận biết sớm về triệu chứng của viêm tai giữa ở trẻ:

– Trẻ sốt cao có thể hơn 39 độ C, co giật

– Trẻ hay dùng tay để dụi, ngoáy, kéo vành tai

– Trẻ trở nên khó ngủ, quấy khóc nhiều hơn bình thường.

– Biếng ăn, ăn không ngon miệng

– Trẻ có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy xuất hiện đồng thời với sốt

– Bị chảy dịch từ ống tai ra ngoài.

– Trẻ phản ứng kém với âm thanh qua từng ngày

– Ở những trẻ lớn hơn thì thường xảy ra triệu chứng đau đầu, đau tai hay thậm chí là giảm thính giác tạm thời.

2.1 Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em

Hầu hết trẻ bị viêm tai giữa sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên nếu cha mẹ nhận thấy tình trạng nhiễm trùng của trẻ tiến triển xấu hơn, nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được theo dõi và điều trị kịp thời nhé.

2.2 Viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa cấp xung huyết: Đây là giai đoạn đầu của viêm tai giữa cấp khi trong tai giữa chưa ứ đọng mủ, điều trị chủ yếu là trị các bệnh viêm mũi họng. Khi viêm mũi họng được chữa khỏi, viêm tai giữa cũng tự khỏi.

Viêm tai giữa giai đoạn ứ mủ: lúc này mủ ứ đọng trong tai giữa làm màng nhĩ căng phồng, gây đau và sốt cao, do đó cần trích rạch màng nhĩ để tháo mủ sau đó sử dụng thuốc rửa viêm tai giữa hàng ngày và các thuốc kháng sinh tùy tình trạng nhiễm khuẩn của trẻ, thuốc giảm đau, hạ sốt để điều trị triệu chứng. Bên cạnh đó, vẫn phải giải quyết các bệnh mũi họng nếu có.

Nếu điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả, để cải thiện bệnh nhanh chóng có thể phải chích rạch màng nhĩ, đặt ống thông nhĩ. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân xuất hiện những biến chứng nặng do viêm tai giữa và không đạt kết quả khi điều trị nội khoa thì cần can thiệp phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm,…

Viêm tai giữa giai đoạn vỡ mủ: nếu không được điều trị, màng nhĩ sẽ bị rách, mủ chảy ra ngoài khiến triệu chứng đau, sốt thuyên giảm gây lầm tưởng bệnh đã khỏi. Nguyên tắc điều trị viêm tai giữa giai đoạn vỡ mủ là: Dùng thuốc rửa viêm tai giữa hàng ngày, theo dõi đến khi màng nhĩ liền lại, dùng thuốc kháng sinh tùy tình trạng nhiễm khuẩn và giải quyết các bệnh mũi họng nếu có.

Điều trị viêm tai giữa bằng nội khoa thường kéo dài khoảng 8 ngày, nếu màng nhĩ bị thủng có thể cần thời gian dài hơn. Trong đó, 3 – 4 ngày đầu tiên cần dùng thuốc nhỏ tai để vệ sinh, ngăn chặn các bửng mủ làm bít đường dẫn lưu, sau đó rửa với nước muối sinh lý hoặc oxy già. 

2.3 Viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính xảy ra khi thời gian chảy mủ kéo dài trên 6 tuần. Người lớn mắc viêm tai giữa chủ yếu là thể bệnh viêm tai giữa mạn tính này. Tuy nhiên, việc điều trị viêm tai giữa mạn tính rất khó khăn, có thể để lại di chứng như giảm sức nghe, thậm chí điếc hoàn toàn.

Viêm tai giữa mủ nhầy: có thể gây viêm ống tai ngoài, xơ màng nhĩ, điếc. Tuy nhiên không có tổn thương xương, vì vậy cần dùng thuốc rửa viêm tai giữa, nhỏ thuốc kháng sinh, chống viêm vào tai và điều trị các vấn đề mũi họng như nạo VA, cắt Amidan…;

Viêm tai giữa mủ có tổn thương xương: thể bệnh nguy hiểm nhất của viêm tai giữa do nguy cơ gây hoại tử xương, có thể dẫn đến điếc, viêm xương chũm, viêm não – màng não, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Nguyên tắc điều trị lúc này là phẫu thuật dẫn lưu mủ, lấy bệnh tích và vá màng nhĩ, phục hồi chức năng nghe cho tai kết hợp điều trị triệt để viêm mũi họng.

3. Làm sao để phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ em

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em có thể được phòng tránh bằng các cách sau :

– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những trẻ mắc bệnh cảm lạnh.

– Giữ ấm cho trẻ.

– Cho bé bú mẹ để giúp nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra khi bú sữa bình, sữa có thể đổ và chảy vào tai trẻ. Do đó, mẹ nên cho bé bú ở tư thế ngồi.

– Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá

– Kiểm tra xem bé đã chích ngừa phế cầu, vắc xin ngừa cúm chưa. Tiêm vắc xin có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp ở trẻ em.

4. Tại sao có một số trẻ rất hay bị lại nhiều lần?

– Trẻ càng nhiều yếu tố nguy cơ ở phần trên càng hay bị bệnh vì hệ thống miễn dịch của trẻ, đặc biệt là hệ thống chống nhiễm trùng của cư thể vẫn chưa phát triển toàn diện.

– Thời gian ủ bệnh càng lâu, phát hiện bệnh càng muộn khiến bệnh trở nặng gây khó khăn trong chữa trị.

– Không chăm sóc đúng cách, người bệnh sau điều trị không thăm khám theo dõi định kỳ theo đúng lịch dẫn đến điều trị không đúng cách, không tuân thủ số ngày điều trị, dùng liều không đúng, tự ý dừng thuốc khi bệnh chưa ổn khiến bệnh không khỏi triệt để làm bệnh tái lại nhanh và điều trị khó khăn do kháng thuốc và mất đi thuốc lựa chọn tốt nhất!

– Không lưu ý sinh hoạt phòng ngừa bệnh, không thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả như trên.

(Nguồn Sưu tầm)